Mua hóa đơn điện tử bất hợp pháp đang là vấn đề gây lo ngại cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Trước khi cơ quan thuế tăng cường kiểm soát, tình trạng này từng diễn ra công khai trên mạng xã hội. Vậy các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào? Hãy cùng ZENTECH tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Hóa đơn bất hợp pháp là gì?
Hóa đơn bất hợp pháp là hóa đơn không được phát hành theo quy định của pháp luật như hóa đơn giả, hóa đơn đã bị hủy bỏ, hóa đơn không có giá trị sử dụng, hoặc hóa đơn không được kê khai thuế một cách hợp lệ.
Các hóa đơn này thường được sử dụng với mục đích che giấu doanh thu thực tế của doanh nghiệp. Việc sử dụng hoặc phát hành hóa đơn bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt nghiêm trọng theo quy định của cơ quan chức năng.
2. Các trường hợp sử dụng bất hợp pháp hóa đơn
Sử dụng hóa đơn giả: Là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu của tổ chức, cá nhân khác hoặc trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn đã phát hành.
Sử dụng hóa đơn chưa có giá trị sử dụng: Là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành, do đó chưa được công nhận hợp pháp.
Sử dụng hóa đơn hết giá trị sử dụng: Là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa, hoặc hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành và được báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế cũng thuộc trường hợp này.
Sử dụng hóa đơn không hợp lệ: Là hóa đơn có thông tin không chính xác, chẳng hạn như thông tin về người bán, người mua, hoặc nội dung hàng hóa, dịch vụ.
Sử dụng hóa đơn mua bán trao đổi trái phép: Là việc mua bán, trao đổi hóa đơn không theo đúng quy định của pháp luật nhằm mục đích trốn thuế hoặc gian lận thuế.
Sử dụng hóa đơn đã bị thu hồi: Là hóa đơn của các doanh nghiệp hoặc cá nhân đã bị cơ quan thuế thu hồi do vi phạm các quy định về thuế.
3. Sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp sẽ bị xử phạt như thế nào?
3.1. Xử lý hành chính
Người sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp có thể bị cơ quan thuế xử phạt hành chính, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
Ngoài ra nếu trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
3.2. Xử lý hình sự
Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp có thể bị xem là hành vi phạm tội hình sự. Theo Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể bị xử tội:
Đối với trốn thuế:
Trốn thuế số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính trước đó về hành vi này: bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Trường hợp trốn thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây: có sự tham gia của tổ chức, số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội lần hai trở lên, tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Trốn thuế số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
Đối với cá nhân phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Đối với tổ chức: Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
4. Cách xử lý hóa đơn bất hợp phát
Nếu hóa đơn đó chưa kê khai, hạch toán
Thuế GTGT: Không kê khai thuế GTGT đầu vào, hạch toán thuế GTGT vào chi phí không được trừ. Có thể bị xử phạt hành chính về thuế
Thuế TNDN: Hạch toán chi phí mua hàng hóa, dịch vụ vào chi phí không được trừ. Có thể bị xử phạt hành chính về thuế.
Nếu hóa đơn đó đã kê khai, hạch toán
Thuế GTGT: Kê khai Điều chỉnh giảm trên tờ khai thuế, điều chỉnh hạch toán thuế GTGT trên sổ sang chi phí không được trừ. Trong trường hợp, việc điều chỉnh làm phát sinh thuế phải nộp hoặc DN đã xin hoàn thuế, DN sẽ bị truy thu thuế, phạt chậm nộp thuế, phạt hành chính
Thuế TNDN: Kê khai Điều chỉnh chi phí đã hạch toán sang chi phí không được trừ. Trong trường hợp này, sẽ ảnh hưởng tới thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể bị truy thu và phạt chậm nộp thuế, phạt hành chính
Lưu ý: Ngoài ra, nếu có đủ yếu tố, Doanh nghiệp cũng có thể bị cơ quan thuế xử phạt về hành vi xuất khống hóa đơn đầu ra do hóa đơn đầu vào không hợp pháp.